Bia hơi Hà Nội và những cảm xúc khó cưỡng

Ngày nay, những người sành uống bia ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chẳng lạ gì với việc cầm cốc bia sủi đầy bọt “quyến rũ” nâng lên miệng chúc nhau. Thế nhưng câu hỏi bia hơi xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào, do ai nghĩ ra thì hầu như ít ai quan tâm hoặc chưa nghĩ đến.

IMG_2114

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1890, dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho xây dựng một nhà máy bia ở Hà Nội để phục vụ chính họ và những công chức Việt Nam tại một số thành phố lớn ở miền Bắc. Bia lúc đó được đóng chai và chỉ để phục vụ cho tầng lớp quý tộc thuần tuý, dân nghèo khi đó không biết đến bia và cũng không ham thứ nước mà họ coi là… “khai khai”. Ban đầu, nhà máy bia này mang tên Pháp là Hommel, mỗi ngày sản xuất chỉ chừng 150lít với hơn 30 phu mộ là những người thợ bia đầu tiên trên đất Việt được người Pháp truyền dạy.

Năm 1954, khi miền Bắc được giải phóng, Nhà nước đã quản lý nhà máy bia của Pháp, lấy tên là Nhà máy bia Hà Nội và tiếp tục sản xuất bia chai. Thế nhưng dường như sản phẩm “bia chai” vẫn là thứ gì đó xa lạ với đại bộ phận người dân Hà Thành. Người ta hầu như vẫn chỉ chuộng thứ nước nấu bằng gạo quê mà thôi. Và như thế sự “thất thế” dành cho bia chai xảy ra là điều khó tránh khỏi bởi ngay bản thân nhà sản xuất cũng thấy vận chuyển bia chai thật vất vả.

dd5c8-img_7752

Đến những năm đầu thập niên 1960, các ông chủ nhà máy bia bắt đầu nhận thức cần phải thay đổi chiến lược về sản phẩm. Từ đây một loại bia không chai (ngày nay gọi là bia hơi) xuất hiện. Dù mới ở giai đoạn sản xuất thử nhưng việc tiêu thụ đã tỏ ra suôn sẻ khiến nhà máy tập trung vào bia hơi nhiều hơn. Thật ngẫu nhiên, vào thời điểm đó, Nhà nước có chính sách quản lý lương thực nên mọi người dân không được phép nấu rượu, dân nhậu bắt đầu nhìn bia hơi bằng ánh mắt bớt lạ lẫm. Và họ thấy, vào những ngày hè nóng bức thì bia hơi có thể trở thành loại nước giải khát công hiệu. Từ đó bia hơi dần chiếm được cảm tình của dân nhậu… và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Hà Nội.

Trải qua thời gian dài với những thăng trầm, ngày nay bia hơi đã thực sự khẳng định được vị trí của mình trong lòng dân nhậu. Chính người Pháp khi xây dựng nhà máy bia tại xứ sở của “rượu quốc lủi” cũng không ngờ rằng một thế kỷ sau bia hơi là sự lựa chọn “số 1″ của dân nhậu Hà Nội. Thứ nước “khai khai” ngày xưa bị xếp sau những chai rượu nút lá chuối bấy giờ đang lên ngôi. Dần dần không chỉ là mùa hè mà mùa thu, thậm chí cả mùa đông lạnh lẽo người ta cũng vẫn đổ xô đi uống bia hơi, các quán bia hơi quanh năm vẫn không khi nào vắng khách.

Mấy năm gần đây nổi lên những địa danh gắn với “văn hoá bia hơi” Hà Nội như: Lê Duẫn, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ,… cùng với đó những cái tên như Lan Chín, Hải Xồm… đã và đang đưa bia hơi Hà Nội trở thành một nét văn hoá rất riêng, đặc trưng trong hệ thống các loại đồ uống ở đất Hà Thành, góp phần không nhỏ trong việc đưa Hà Nội tiến bước trên con đường hội nhập. Đặc biệt, vào những ngày hè, các địa danh và tên tuổi ấy lại càng trở nên sôi động hơn lúc nào hết.

IMG_4244

Không hiểu sao người Hà Nội lại “yêu” bia hơi đến thế. Bia hơi đã trở nên bình dân, thân thuộc đối với mỗi tầng lớp người dân. Bậc thượng lưu, cán bộ công chức sau một ngày làm việc căng thẳng, trước khi về nhà không thể không tạt vào quán bia hơi, thư thả nhấm nháp những cốc bia hơi mát lạnh, sảng khoái. Không chỉ có công chức, dân xe ôm, xích lô sau một ngày lao động vất vả cũng tìm đến với bia hơi. Và từ ông cán bộ cao cấp đến dân chạy chợ, từ anh công chức bình thường đến dân xe ôm, xích lô khi đã vào quán bia thì có 1001 chuyện để nói. Có lẽ chính cái “men trữ tình” của bia hơi đã tạo cho người uống những nguồn cảm hứng dồi dào.

Bia hơi Hà Nội, nhìn bên ngoài đó là một loại chất lỏng trong suốt, không có tạp chất, có màu vàng rơm đặc trưng của bia, khi rót ra cốc có bọt trắng mịn, chiều cao lớp bọt ít nhất 1cm, thời gian giữ bọt ít nhất 1 phút, khi tan hết vẫn có vết bọt bám ở thành cốc. Bia hơi Hà Nội có mùi thơm dịu, đặc trưng tự nhiên của bia, không có mùi lạ.

Nhờ vậy, người uống được cởi lòng mình ra với mọi người, được chia sẽ mọi buồn vui và giải toả bớt căng thẳng, mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc, tạo cho họ động lực để chuẩn bị bước vào ngày làm việc mới hiệu quả hơn. Từ một thứ nước “khai khai” trước đây, ngày nay bia hơi đã trở thành người bạn chia sẽ cảm xúc. Đồng thời cũng để lại cho người uống cảm giác được yêu mến, trân trọng về một nét văn hoá riêng có này.

Tới đây, khi mà hệ thống chính quyền các cấp của Hà Nội thực hiện chủ trương cấm uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, liệu có làm cho Bia hơi Hà Nội suy giảm hay không? Nhưng cứ như những gì đã và đang tồn tại, thứ thức uống như trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng này, e rằng chủ trương của thành phố khó lòng mà cưỡng lại.